Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tiếp cận chuyển đổi số thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Chủ động tạo điều kiện cho cán bộ phụ nữ cơ sở, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nắm bắt, tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp là hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang tích cực triển khai. Qua đó, nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Cán bộ phụ nữ cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hà Quảng thuyết trình dự thảo Tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ bán hàng online trên mạng xã hội.
Cán bộ phụ nữ cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hà Quảng thuyết trình dự thảo Tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ bán hàng online trên mạng xã hội.

1 trong 4 nội dung hoạt động của Dự án 8 là hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS. Khẳng định sự cần thiết tiếp cận khoa học công nghệ đặc biệt là CNTT để phụ nữ DTTS nâng cao quyền năng kinh tế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt Minh cho biết: Thời đại công nghệ 4.0 đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực xã hội. Vì thế, để chị em phụ nữ DTTS không bị tụt hậu cần phải được tiếp cận ứng dụng CNTT sớm bắt nhịp với xu thế phát triển xã hội. Từ nắm bắt CNTT, tham gia chuyển đổi số, kinh tế số sẽ trở thành khâu nối quan trọng để chị em phụ nữ DTTS khi được hỗ trợ triển khai các mô hình sinh kế, phát triển sản xuất làm ra sản phẩm sẽ tự liên kết thành lập tổ sản xuất, hợp tác xã đồng thời biết ứng dụng CNTT để quảng bá, bán hàng online trên mạng xã hội (MXH), góp phần giảm tối đa các khâu chi phí, thủ tục, các hình thức trung gian khác kết nối ra thị trường.

Xác định vai trò khởi nghiệp phải gắn với lợi thế ứng dụng CNTT, từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở 10 lớp tập huấn cho hơn 660 cán bộ phụ nữ cơ sở về phát triển các mô hình sinh kế, khởi nghiệp gắn với ứng dụng CNTT bán hàng online qua MXH. Qua đó thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp gắn với ứng dụng CNTT, tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ DTTS cơ sở khi sản xuất, kinh doanh có sản phẩm chất lượng chủ động khai thác CNTT tạo lập nền tảng bán hàng online trực tiếp, truyền thông, quảng bá marketing và bán hàng trên các thanh công cụ online email marketing, zalo, mạng xã hội, SEO, Livestream…

Tiến sĩ Lê Văn Sơn, Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã làm xã hội vận động và phát triển gắn với chuyển đối số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, bán hàng qua MXH đúng pháp luật đang ngày càng phát triển, chiếm thị phần quan trọng trong kinh tế Việt Nam. Vì bán hàng online giảm nhiều khâu chi phí, thủ tục cho những người khởi nghiệp tiếp cận nhanh chóng với thị trường. Đây là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất cho phụ nữ DTTS khi có sản phẩm chất lượng từ mô hình sinh kế, khởi sự, khởi nghiệp nếu nắm bắt được ứng dụng nền tảng công nghệ số thì có thể tự quảng bá, bán sản phẩm của mình trên MXH mà không phải mất thời gian, chi phí để tiếp cận thị trường… 

Chị Đàm Thị Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Sen (Quảng Hòa) chia sẻ: Mới đây, tôi tham gia lớp tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ thuộc Dự án 8 nắm bắt kiến thức kinh tế số, ứng dụng công nghệ số tạo lập nền tảng bán hàng online, truyền thông, marketing và bán hàng online qua email marketing, zalo, mạng xã hội, SEO, Livestream… Hiện nay, tôi đang xây dựng kế hoạch mở lớp tập huấn tại xã cho chị em hội viên biết khai thác ứng dụng công nghệ số để bán hàng online, Livestream trực tiếp các sản phẩm củ cải khô, khoai lang, bí xanh, chè chất lượng cao Lũng Sâu… trên tài khoản Tiktok cá nhân để đưa sản phẩm địa phương ra thị trường, tương tác với người tiêu dùng. 

Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn cho 160 cán bộ phụ nữ cơ sở, đại diện một số mô hình tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) về sổ tay hướng dẫn hoạt động “Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS”; hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng nền tảng công nghệ số để tham gia sàn thương mại điện tử và thanh toán điện tử; tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy trình thủ tục các tiêu chuẩn sản phẩm nông sản trong trồng trọt, chăn nuôi, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Long (Hòa An) Lương Thị Ngoan mới tạo lập tài khoản Tiktok bán hàng trên MXH cho biết: Sau khi tham gia tập huấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, tôi mở tài khoản Tiktok quảng bá sản phẩm địa phương như miến dong, thạch đen, mật ong rừng… Hiện, tài khoản Tiktok của tôi có trên 4.000 lượt người theo dõi mà không phải mất khoản chi phí, thời gian đưa sản phẩm ra thị trường như cách làm truyền thống trước đây. Qua trải nghiệm bước đầu bán hàng online tôi thấy đây là cơ hội rất tốt cho chị em phụ nữ DTTS rút ngắn khoảng cách, chi phí để trực tiếp giới thiệu, bán sản phẩm chất lượng của mình sản xuất ra thị trường nhanh nhất. Khi biết sử dụng Tiktok, cá nhân tôi chỉ cần có điện thoại thông minh, chọn bối cảnh mang văn hóa bản địa phù hợp với sản phẩm rồi quay clip trực tiếp trên mạng là giới thiệu được sản phẩm đến khách hàng cả nước mà không mất khoản chi phí nào... Thời gian tới, tôi động viên chị em phụ nữ xã sản xuất sản phẩm có chất lượng, xây dựng sản phẩm OCOP, tập huấn các khâu vận hành bán trên Tiktok chuyên nghiệp hơn tạo cơ hội ngắn nhất, tiết kiệm nhất cho chị em phụ nữ DTTS khởi nghiệp.

Nguồn:baocaobang.vn